Menu

Võ sư Đặng Tấn Hùng: Vác lúa mướn rèn đòn Kara

Võ sư Đặng Tấn Hùng: Vác lúa mướn rèn đòn Kara

06 Tháng Giêng 2014

Võ sư Đặng Tấn Hùng: Vác lúa mướn rèn đòn Kara

 Võ sư Đặng Tấn Hùng (Ảnh: LHG )
Năm 13 tuổi, cậu học trò Đặng Tấn Hùng, quê ở Rạch Gòi (Châu Thành trước đây), ra Cần Thơ trọ học. Hàng ngày phải đi qua hẻm Tài Xỉu là nỗi ám ảnh với Tấn Hùng: cậu thường xuyên bị bọn du đãng chặn đường đánh. Để tự vệ, Tấn Hùng đi học Taekwondo và Judo. Hùng ghi tên theo học ở võ đường Thanh Long (đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay). Võ sư Ung Phụng Võ phát hiện tố chất đặc biệt về Judo của Hùng, nên khuyên cậu tập trung vào môn này. Hùng học rất nhanh, lần lượt lấy đai vàng, rồi đai cam và được võ sư Ung Phụng Võ đưa đi thi đấu thường xuyên với nhiều đối thủ mạnh ở Sóc Trăng, Bạc Liêu...

Đặng Tấn Hùng rất thích chuyện tổ sư Judo Jigoro Kano, chỉ nặng 45 kg, trong một trận đấu, đã luồn người xuống ngực đối thủ nặng hơn 80kg, nhấc bổng lên vai mình rồi liệng xuống thảm dễ như trở bàn tay. Đây là thế võ “Kata Guruma” do tổ sư Jiogo Kano sáng tạo từ tinh túy của môn sumo, quyền anh và một số môn võ khác ở Nhật Bản. Vốn nhỏ con, Đặng Tấn Hùng rất muốn học tuyệt chiêu này và đã được võ sư Ung Phụng Võ nhiệt tình hướng dẫn.

Ít ai biết rằng mỗi dịp nghỉ hè, Đặng Tấn Hùng về nhà đi vác lúa mướn để có tiền học thêm. Đang vác lúa mà Hùng chỉ nghĩ đến Judo. Vác lúa cũng phải có kỹ thuật: phải dùng một tay đỡ bao lúa đầy, tay kia giật mạnh, đẩy mạnh lên vai giống như đang tập đòn kata. Cứ thế, suốt ba tháng hè, Hùng chuyển hàng ngàn bao lúa một cách nhẹ tênh... Tối về nhà, Hùng lấy hai bao xi măng, dựa trên đùi để rèn thế tấn. Hùng treo một bao xi măng chết lên rồi đẩy qua, đẩy lại, lắc để rèn độ dẻo, phản xạ, còn thường xuyên kéo ruột xe để rèn lực cho hay cánh tay... Trở lại võ đường, Đặng Tấn Hùng đã thực hiện được đòn kata.

Một lần xuống Sóc Trăng thi đấu, Tấn Hùng bị một võ sĩ nặng 70kg, dày dạn kinh nghiệm hơn, đánh bại khiến Hùng bị gãy xương đòn, ngất lịm. Được băng bó kịp thời, chỉ sau 3 tháng, Hùng đã bình phục chấn thương, lại lao vào rèn đòn kata. Võ sư Ung Phụng Võ nhớ lại: “Với chấn thương kiểu này, nếu không có sự đam mê và tinh thần quyết tâm thì khó mà tiếp tục tập Judo. Tấn Hùng trở nên mạnh mẽ hơn sau chấn thương”.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hầu như không có đối thủ nào trụ lại nổi với đòn kata lợi hại của võ sĩ mới 16 tuổi đất Tây Đô này. Lần đầu tiên chính thức dự giải đấu – Giải vô địch Judo vùng IV năm 1971, trong trận chung kết, bằng đòn kata sở trường, Đặng Tấn Hùng chỉ mất hơn 1 phút để hạ võ sĩ nổi tiếng Nguyễn Văn Quang đến từ An Giang.

Ở tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, Đặng Tấn Hùng từng dùng đòn kata quật ngã hàng loạt tên tuổi ở giải vô địch Judo miền Nam và chỉ chịu dừng bước trước Nguyễn Xuân Kháng – đương kim vô địch Đông Nam Á trong trận chung kết năm 1972. Sau đó, Đặng Tấn Hùng tiếp tục được HCĐ giải quốc tế tổ chức ở miền Nam. Sau những thành công đó, giới hâm mộ Judo đặt cho Đặng Tấn Hùng biệt danh “Hùng kata”. Đòn kata của Hùng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều đấu thủ trên thảm Judo thời ấy...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đặng Tấn Hùng trở thành huấn luyện viên, tiếp tục gắn bó với Judo Hậu Giang (trước đây) và sau này là Cần Thơ. Ông đã mở CLB Judo Lê Bình vào năm 1992, đào tạo được nhiều võ sĩ xuất sắc như: Lưu Quang Nam (từng đoạt HCV giải vô địch quốc gia), Đặng Thị Thu Thảo (từng đoạt HCV quốc gia, HCĐ quốc tế), Phan Lệ Huyền (HCV giải trẻ, HCĐ giải vô địch quốc gia)... Đặc biệt, năm 1999, CLB Lê Bình được đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giành hạng Nhì toàn đoàn ở Giải vô địch Judo Thanh - Thiếu niên toàn quốc.

Võ sư Đặng Tấn Hùng còn làm HLV đội tuyển Judo Cần Thơ – đào tạo nhiều thế hệ võ sĩ judo giành nhiều thành công trên đấu trường quốc gia. Hiện nay, võ sư Đặng Tấn Hùng đã được đề bạt Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiêm Hiệu trưởng trường Trung học Thể dục Thể thao Cần Thơ . Dù rất bận rộn nhưng với vai trò Chủ tịch Hội Judo Cần Thơ, ông đang trăn trở để phong trào Judo Cần Thơ – một thời là đơn vị mạnh hàng đầu trong cả nước - được phát triển mạnh trở lại. Ông còn dành thời gian để theo dõi, góp ý cho CLB Judo Lê Bình – hiện đang được các học trò của ông phụ trách phát triển mạnh mẽ.

Võ sư Đặng Tấn Hùng tâm sự: “Suốt đời tập võ, tôi rút ra hai chữ khổ luyện như là chìa khóa của mọi thành công”.

Chí Liêm

Print

Số lượt xem (1181)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.