Menu

Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng: Vườn ươm tài năng Việt

Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng: Vườn ươm tài năng Việt

20 Tháng Ba 2014

Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng: Vườn ươm tài năng Việt

TS Lê Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng (Ảnh:TT )
Được biết đến là một trong những cái nôi đào tạo VĐV lớn nhất của cả nước, vậy ông cho biết đôi nét về quá trình thành lập và phát triển của Trung tâm?

Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, được thành lập từ năm 1994, với chức năng nhiệm vụ của những ngày đầu là đào tạo vận động viên năng khiếu của Tổng cục TDTT. Khi mới được thành lập, hệ thống  cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đội ngũ huấn luyện viên hầu hết là cán bộ giảng dạy từ trường Đại học TDTT Đà Nẵng nên công tác huấn luyện gặp không ít những khó khăn. Tuy nhiên, các HLV đã cố gắng nỗ lực làm quen công tác xây dựng kế hoạch huấn luyện, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Sau 5 năm, Phòng Quản lý huấn luyện ra đời, công tác quản lý kế hoạch huấn luyện bước đầu đi vào nề nếp, thực hiện theo quy chế quản lý đội tuyển do Tổng cục TDTT quy định. Kế hoạch huấn luyện được xây dựng chặt chẽ với đầy đủ nội dung bao hàm và mang tính chất toàn diện.

Khởi đầu với chỉ 5 huấn luyện viên và 28 VĐV của hai đội tuyển tuyển trẻ Điền kinh và Bơi lội trong chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, Trung tâm có tổng số 51 CCVC, huấn luyện viên. Năm 2014, Trung tâm quản lý 04 đội tuyển quốc gia: Điền kinh (tổ cự ly Trung bình, đi bộ và Marathon); Bơi; Boxing, Taekwondo và 13 đội tuyển trẻ quốc gia gồm: Điền kinh; Bơi; Lặn; Boxing; Taekwondo; Wushu, PencakSilat; Cầu lông;  Bóng chuyền trong nhà, Bóng chuyền bãi biển nam - nữ; Bắn súng và Rowing,với số lượng giao động từ 30 - 35 HLV và 160 - 207 VĐV.

Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ các đội tuyển  Bơi, Lặn, Điền kinh, Wushu, Boxing, Cầu Lông, Rowing…của các địa phương đến tập huấn như: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk….

Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?

Qua các thời kỳ phát triển, vận động viên của Trung tâm đã trưởng thành và đạt nhiều thành tích cao tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Nhiều VĐV đã trở thành những trụ cột trong các đội tuyển Quốc gia như: Lê Văn Dương, Nguyễn Đình Cương, Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng, Phạm Thị Bình, Nguyễn Thị Thanh Phúc (Điền kinh); Xuân Hiền, Nguyễn Hữu Việt, Hoàng Quý Phước (Bơi lội); Nguyễn Tiến Minh, Lê Ngọc Nguyên Nhung, Nguyễn Thị Bình Thơ, Vũ Thị Trang (Cầu lông); Hà Anh Tuấn, Phạm Thị Huệ, Lê Thị Hồng Ngoan (Pencak Silat); Doãn Thị Hương Giang, Trương Thị Nhớ (Taekwondo)...

Với những thành tích đặc biệt nổi trội tại các kỳ thi đấu trong nước và quốc tế, rất nhiều tên tuổi huấn luyện viên, vận động viên đã trở thành niềm tự hào chung của Thể thao Việt Nam như: HLV Hồ Thị Từ Tâm, người dẫn dắt tổ cự ly trung bình bộ môn Điền kinh, nhiều năm liền là gương mặt HLV tiêu biểu toàn quốc. Nhiều gương mặt vận động viên xuất sắc đã phá kỷ lục quốc gia và kỷ lục SEA Games, đạt thành tích cao trong các giải đấu quốc tế, mang vinh quang về cho Thể thao Việt Nam Như: Lê Văn Dương, Đỗ Thị Bông, Phạm Thị Bình, Nguyễn Thanh Phúc, đặc biệt VĐV Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương được bình chọn VĐV tiêu biểu nhiều năm liền…

Với những thành tích đóng góp cho TTVN trong nhiều năm qua, tập thể và các cá nhân của Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Cờ thi đua xuất sắc, nhiều tập thể và cá nhân đạt Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ủy ban TDTT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Liên đoàn Lao động Thành phố Đà Nẵng...

Nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của TTVN, đặc biệt là hướng tới ASIAD 2019 khi Việt Nam giữ vai trò chủ nhà, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng đã có định hướng phát triển như thế nào?

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quan tâm, đầu tư các môn Olympic như: Điền kinh, Bơi, Boxing, Teakwondo, Canoeing, Rowing, Bóng chuyền, Cầu lông, Bắn cung... Đó cũng là những môn mà Trung tâm có thế mạnh và chú trọng để đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm còn có khó khăn nhất định, đặc biệt là trong công tác xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị do nguồn kinh phí hạn hẹp. Để TTVN tiếp cận với thành tích thế giới, đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện phù hợp với từng môn.Hiện nay, Trung tâm đã đầu tư đặc biệt cho môn Boxing, Taekwondo, Rowing những thiết bị hiện đại nhất mong muốn đưa những môn này lên vị trí xứng đáng.

Đặc biệt năm 2014, Trung tâm đã đầu tư phát triển cho môn Bắn súng, Bắn cung là những môn thể thao Olympic. Trong tương lai, với vị thế ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, ngoài 2 môn thể thao này, Trung tâm sẽ tập trung đào tạo, huấn luyện các môn mũi nhọn như Canoeing, Rowing, Bắn cung… để tham dự các kỳ ASIAD. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho VĐV nhằm mục đích giành thành tích tốt nhất cho VĐV.

Để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, Trung tâm có kiến nghị gì thưa ông?

Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phù hợp cho từng môn. Đối với công tác huấn luyện của các đội tuyển trẻ cũng như quốc gia trong nhiều năm qua Trung tâm chưa có Huấn luyện viên quốc gia mà chủ yếu là Huấn luyện viên của các địa phương cử lên. Vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo và tuyển chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia cũng như tuyển trẻ. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục TDTT sớm tuyển chọn thêm cán bộ công chức cũng như Huấn luyện viên quốc gia vào làm việc tại Trung tâm. Có như vậy, Trung tâm HLTTQG mới có thể phát triển ngày càng mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Thu Thanh

Print

Số lượt xem (957)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.