Menu

Tản mạn Thể thao Việt Nam sau 23 năm

Tản mạn Thể thao Việt Nam sau 23 năm

27 Tháng Ba 2014

Tản mạn Thể thao Việt Nam sau 23 năm

Ngày 29/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 25/CT lấy ngày 27/3 hàng năm làm Ngày Thể thao Việt Nam. Khi ấy, ngành TDTT mới sát nhập vào Bộ Văn hoá, Thông tin. Sau 23 năm, ngành TDTT trở lại nguyên dạng, nằm gọn trong Bộ đa ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ngành TDTT chưa quen với không gian quản lý đa ngành, một không gian chưa thuận cho hoạt động Thể dục thể thao phát triển. Vậy, việc mở rộng phạm vi tự chủ cho ngành dọc TDTT rất cần được xem xét.

Sau 23 năm, sự tiến bộ lớn nhất của Thể dục thể thao nước nhà là ở lĩnh vực chính sách thể dục thể thao. Trong phạm vi cả nước, ta có luật TDTT, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành TDTT dài hạn; nhiều đề án, dự án lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhiều Nghị định, Thông tư về thể dục thể thao đã được Chính phủ, liên Bộ hoặc Bộ ban hành. Trong những năm gần đây, chính sách Thể dục thể thao có tác dụng đảm bảo và thúc đẩy sự nghiệp thể dục thể thao nước nhà phát triển, điều chỉnh hoạt động và hạn chế những tác động tiêu cực của thể dục thể thao đối với xã hội.

Tuy nhiên, chính sách thể dục thể thao nước ta còn khiếm khuyết, còn thiếu, công tác truyền thông, giáo dục chính sách còn rất hạn chế; phân tích chính sách và nghiên cứu cơ sở, lý luận của chính sách thể dục thể thao chưa được thực hiện. Nghiên cứu và phân tích chính sách cần đi trước một bước. Nếu thiếu chính sách, chúng ta rất khó tổ chức những sự kiện thể thao quốc tế lớn, rất khó thực hiện các đề án quốc gia.

Sau 23 năm, thể dục thể thao trường học, thể dục thể thao quần chúng, thể dục thể thao quốc phòng đã có những tiến bộ đáng kể. Nhìn chung nội dung hoạt động trong các lĩnh vực này phong phú, đa dạng hơn trước đây, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân tốt hơn trước. Từ 1991 đến gần đây, ta chưa có tầm nhìn đầy đủ và đúng về thể thao giải trí. Trong điều kiện kinh tế xã hội tốt lên, thể thao giải trí còn phát triển mạnh hơn nữa, đặc biệt là thể thao giải trí trên sông, trên biển, trên hồ và thể thao giải trí công nghệ cao.

Tuy có nhiều tiến bộ, nhưng thể dục thể thao trường học vẫn rất cần sự quan tâm, đầu tư đồng bộ. Chương trình phát triển thể dục thể thao trường học (chương trình 3) trong "Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030" hơn 2 năm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vẫn chưa nhúc nhích được bước nào đáng kể. Thiếu tổ chức, thiếu người làm, thiếu chính sách,... Nếu trong vòng 20-30 năm nữa, thể dục thể thao trường học nước ta không có sự chuyển biến tích cực, sẽ ảnh hưởng không tốt tới nguồn nhân lực, ảnh hưởng không nhỏ tới thể thao thành tích cao nước nhà.

Sau 23 năm, thể thao thành tích cao nước nhà đã có bộ mặt mới. Nhớ lại khi kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam đầu tiên, cả nước ta mới bắt đầu bước vào ngưỡng cửa SEA Games, còn các ngưỡng cửa cao hơn chỉ mới hé mở. Nay thể thao thành tích cao Việt Nam đã xếp vị trí là 1-3 quốc gia trong các kỳ SEA Games từ năm 2003 tới nay. Ta đã giành được 2 huy chương Bạc trong các kỳ Thế vận hội. Một sự tiến bộ đáng khích lệ. Thế rồi từ đăng cai tổ chức SEA Games, Đại hội thể thao Châu Á trong nhà thành công, ta đã xin đăng cai tổ chức ASIAD vào năm 2019.

23 năm về trước, ta chưa có thể thao chuyên nghiệp. Ta mới thí điểm bóng đá nam chuyên nghiệp chuyển từ Bóng đá nghiệp dư trong mùa giải 1999-2000. Cho đến nay, công cuộc thí điểm về cơ bản, chưa thành công, đặc biệt từ khi đua nhau tung tiền mua cầu thủ ngoại. Mới đây còn thuê cả trưởng giải không biết tiếng Việt. Những vấn đề này chưa từng thấy trong bất kỳ văn bản nào của nhà nước, thậm chí không thấy trong "Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 30" được Thủ tướng chính phủ ban hành qua Quyết định phê duyệt số 419/QĐ-TTg ngày 8/3/2013.

Thuê mướn nước ngoài giá cao trong khi nước ta vẫn trong số các quốc gia chậm phát triển. Cầu thủ nước ngoài chiếm những vị trí chủ chốt trong mỗi đội bóng, đương nhiên cầu thủ trong nước giảm đi tính tích cực, nhưng lại được nâng giá bám theo cầu thủ nước ngoài. Nền bóng đá suy thoái dần, mất lòng dân, trình độ chuyên môn của các cầu thủ người Việt nói chung, đội tuyển quốc gia nói riêng yếu đi, kinh doanh của các câu lạc bộ chuyên nghiệp mãi cũng không "hoà vốn". Các tiêu chí của Bóng đá chuyên nghiệp được đánh giá bằng số âm. Bóng đá nam chuyên nghiệp rơi xuống đáy, và sẽ cứ thế tiếp tục đá đi, đá lại ở dưới đáy, tới khi hết dưỡng khí sẽ phải ngoi lên, và làm lại từ đầu. Có lẽ ta chỉ còn chút hy vọng  vào mô hình xây dựng đội bóng U19 của CLB Hoàng Anh Gia Lai, tuy chưa phải đã thoả mãn.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam lần thứ 23, xin tản mạn bàn về thể dục thể thao nước nhà, ngẫu nhiên vẫn từ góc nhìn của không gian lắp ghép, như một chu kỳ lặp lại.

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Dương Nghiệp Chí

GS.TS Dương Nghiệp Chí là người đi tiên phong trong công tác nghiên cứu khoa học lĩnh vực TDTT. Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm 1941, tại Vân Đình, Ứng Hoà, Hà Tây (cũ), trong một gia đình, dòng họ có ba đời liên tiếp là giáo sư, tiến sĩ. Ông nội là cụ Dương Thiệu Tường, tiến sĩ đời nhà Nguyễn (có bia tiến sĩ ở cố đô Huế), cha ông là cố GS Dương Hồng Hiên. GS.TS Dương Nghiệp Chí tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Bắc Kinh, Trung Quốc (1961-1965); Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Thể dục Thể thao Mátxcơva, Liên Xô (1968-1972);

Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học nổi tiếng được ứng dụng vào thực tiễn như: Hệ thống xử lý dữ liệu thông tin trong thi đấu tại SEA Games 22 ở Việt Nam; Tổng đạo diễn hệ thống xử lý dữ liệu thông tin - ứng dụng Công nghệ Thông tin vào đo lường thành tích thi đấu và thông tin nhanh thành tích này trên mạng Intenet (dự án mang tầm quốc gia và được đánh giá là công trình thành công nhất trong năm 2003)... Và chính ông cũng là người chắp bút Đề án tổng thể "Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam từ 2011 đến 2030”.

Những chức vụ mà GS.TS Dương Nghiệp Chí từng đảm nhiệm: nguyên Phó Tổng cục trưởng TCTDTT, Cục trưởng Cục TDTT, Hiệu trưởng trường ĐHTDTT Tp Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện KHTDTT, Phó Chủ Tịch Uỷ ban Olympic VN, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN khoá 1. Hiện tại, ngoài việc giữ cương vị là cố vấn cao cấp của Viện Khoa học TDTT, GS.TS Dương Nghiệp Chí còn giữ chức Chủ tịch Hiệp Hội Thể thao giải trí Việt Nam.

GS.TS Dương Nghiệp Chí

Print

Số lượt xem (1498)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.