Menu

Chuyện nhặt bên lề SEA Games 27

Chuyện nhặt bên lề SEA Games 27

16 Tháng Mười Hai 2013

Chuyện nhặt bên lề SEA Games 27

 Đây là một bảng thông báo tại NTĐ Wnna Theikdi với chữ viết tượng hình làm khó cánh phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 27 (Ảnh:A.T)
Ngỡ ngàng với một đất nước xanh, sạch, đẹp

Theo chuyến bay thương mại tới Rangoon, chúng tôi có được một đêm tá túc tại cố đô xinh đẹp này. Mặc dù đã là 8 giờ tối giờ địa phương nhưng dòng xe cộ vẫn vô cùng đông đúc. Chiếc xe chở chúng tôi từ sân bay tới khách sạn là tổng hành dinh của đoàn TTVN tại Rangoon chỉ có thể nhích từng cen ti mét.

Trên đường phố, người dân Myanmar sử dụng cả xe tay lái thuận và xe tay lái nghịch. Có không quá nhiều những chiếc xe hiện đại lăn bánh trên đường chưa kể đến những chiếc xe khách, làm tôi liên tưởng tới chiếc xe khách hải âu ở Việt Nam những năm 80.

Cảnh đẹp ở Rangoon khiến những người lần đầu tới đây không thể không khỏi ngỡ ngàng với màu xanh mướt mắt của cây cối và sự rực rỡ của những bụi hoa ven đường.

Hầu hết đàn ông và phụ nữ nơi đây đều mặc trang phục truyền thống là chiếc váy giống như chiếc xa rông của người Tây Nguyên, tiếng bản địa gọi là longyi. Chỉ có đàn ông nhai trầu còn phụ nữ Myanmar chọn cho mình một phong cách trang điểm và dưỡng da vô cùng khác biệt. Không phải là phấn trắng, môi son mà là một loại thảo dược tự chế có tên gọi là Tanakha, tên của một loại cây họ gỗ, được coi là đặc sản của đất nước, và được trồng rất nhiều. Khi chế biến bột Thanakha, người ta cắt thân cây thành các khúc và mài vào miếng đá có thấm nước. Phần bột được mài ra này sẽ được sử dụng để bôi lên da mặt.

Thời gian quá it để chúng tôi có thể trải nghiệm thêm về Rangoon, thể nhưng trong quá trình tác nghiệp tại Nay Pyi Taw - nơi diễn ra hầu hết các môn thể thao của SEA Games 27 chúng tôi biết thêm nhiều điều thú vị về người dân nơi đây.

Bác tài quấn longyi, nhai trầu bỏm bẻm có phong cách lái xe rất nhanh và phanh rất tít (Ảnh: A.T)
"Phi rất nhanh và phanh rất tít"

Ở Rangoon chúng tôi cũng đã dược thưởng thức "đặc sản" này nhưng tới Nay Pyi Taw thì quả là đáng nhớ. Vì đường ở Nay Pyi Taw rất rộng và hầu như vắng vẻ nên các bác tài tha hồ thể hiện tay lái cho tới khi gặp đèn đỏ hoặc chiếc xe đi ngang thì lập tức phanh kít lại. Cứ mỗi lần như vậy, cánh phóng viên lại được một phen dúi dụi. Từ đó, chúng tôi thường hay đùa nhau mỗi khi di chuyển từ khách sạn tới các địa điểm thi đấu rằng: Lên đường "Dúi dụi" nào. Đó là chưa kể đến độ điêu luyện cua vòng xuyến của bác tài. Lúc đó trông chúng tôi giống những con lắc đồng hồ.

Dần dần chúng tôi cũng quen với "khủng hoảng" này, thả lỏng để quan sát và nói chuyện cùng với các bác tài mà hầu hết đều rất thân thiện. Các bác thường hay vừa trò chuyện với cánh phóng viên chúng tôi vừa bỏm bẻm nhai trầu. Thân thiện, hiền lành là thế nhưng đôi lúc các bác cũng khiến chúng tôi hoảng hốt rồi phì cười vì sự "lạc quan" khó ngờ khi vừa lái xe vừa đóng lại cánh cửa chưa khít hoặc dừng xe đánh kít, nhổ toẹt một bãi trầu đỏ tươi với nụ cười bẽn lẽn.

Chữ tượng hình làm khó cánh phóng viên

Có không ít nhóm phóng viên lâm vào cảnh dở khóc dở cười với biển báo chỉ đường tại Nay Pyi Taw. Thông thường khi tác nghiệp tại các sự kiện thể thao quốc tế, phóng viên có thể chủ động tìm đường di chuyển tới các địa điểm khác nhau thông qua nghiên cứu bản đồ. Nhưng cái khó mà chúng tôi gặp phải tại đây biển báo chỉ đường không sử dụng bảng chữ cái la tinh, mà sử dụng chữ tượng hình mà chúng tôi thường hay gọi đùa đó là chữ "bún, phở, mì".

Vì vậy, dù có chủ động đến đâu thì chúng tôi cũng chịu chết nếu gặp phải biển chỉ đường như vậy. Chính vì vậy, cách duy nhất là cố gắng tìm cho được một người lái xe quen thuộc để không mất thêm công đoạn miêu tả địa điểm cần đến bởi tên các địa điểm thi đấu cũng được người dân nơi đây phát âm theo tiếng địa phương.

"Họp quốc hội"

Chúng tôi thường hay tếu với nhau như vậy mỗi khi cần hỏi đường tới một điạ điểm nào đó mà cần sự giúp đỡ của người dân nơi đây. Điều thú vị mà chỉ ở đây chúng tôi mới cảm nhận được là cứ hễ có việc gì cần bàn bạc, kết luận thì họ lập tức gọi cứu viện từ những người gần đó. Lúc đầu thì chúng tôi còn được hỏi và được nghe nhưng chỉ một lát sau thì chúng tôi chỉ còn mỗi một việc là đứng và quan sát người dân nước bạn "họp quốc hội". Chính vì thói quen này của họ mà chúng tôi thường trừ dôi thời gian trước khi đi đâu đó để đảm bảo không bị muộn giờ.

Mặc dù vậy, điều đọng lại sâu sắc trong tâm trí tôi vẫn là sự chu đáo đến tận tình của người dân nơi đây. Dù họ có phải đưa bạn đi lòng vòng, dù phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ hay phải đi tìm bạn thì bạn cũng khó tìm thấy sự khó chịu trên khuôn mặt của họ dù chỉ là một chút.

Chắc hẳn sau hai tuần tác nghiệp tại SEA Games 27 tại Myanmar, trở về với Hà Nội, với gia đình và đồng nghiệp thân yêu tôi cũng sẽ nhớ nhiều về đất nước Myanmar đang chuyển mình mạnh mẽ sau mở cửa.

A.T

Print

Số lượt xem (917)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.