Menu

"Lày cỏ” – trò chơi dân gian độc đáo của của đồng bào dân tộc Tày, Nùng

Đây là trò chơi dân gian thường được tổ chức trong những dịp lễ hội, tết, ngày vui của đồng bào Tày, Nùng nhằm tạo không khí sôi động, phấn khởi. Trò chơi “ Lày cỏ ” gần giống như trò oẳn tù tì, nhưng phức tạp hơn vì phải kết hợp giữa miệng nói, tay xòe và suy nghĩ.
Người chơi có thể xòe ra mấy ngón tay, tùy mình thích, miễn sao cộng các ngón tay hai người khớp lại, vừa đúng với số mà mình hô. Ai đoán đúng sẽ thắng. Hai bên nói kết quả đúng và trùng nhau thì hòa, gọi là “thồng sinh”. Mỗi hiệp đấu sẽ được tính là 4 điểm số bằng cách lấy bốn que đũa chia đều cho mỗi bên. Cứ người nào thua thì tự giác rút bớt một que và đưa cho người thắng. Rút hết bốn que là xong một hiệp, ai giành được hết 4 que đó là người thắng cuộc. Sự thắng thua của người chơi được thể hiện bằng sự thông minh, sự khéo léo trước đối thủ để phân chia thắng, bại. Nhiều cuộc chơi tạo ra sự giằng co từng điểm số, có thể kéo dài từ 15-20 phút mà không phân thắng bại.
Nét độc đáo và đặc trưng riêng cũng được thể hiện trong cách chơi, người nào chơi lâu, nhuần nhuyễn thì cách đọc thường có “đuôi” cụ thể: số 2 hô là "nhì tảu", số 4 là "slế hồng slế", số 8 là "pát mả pát"... các tiếng hô lên tựa như một bản nhạc hay mà họ tự sáng tác ra, rất dân dã và gần gũi, tạo niềm vui cho chính họ và những người xung quanh.
Ông Phan Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trò chơi " Lày cỏ " là nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày, Nùng từ xa xưa vẫn được lưu truyền đến ngày nay và được đông đảo người dân nhiệt tình tham gia. Trong các ngày lễ hội truyền thống thường tổ chức các cuộc thi " Lày cỏ " để giao lưu văn hóa và thi tài nhằm mang lại không khí vui tươi, phấn khởi. Đây cũng là cách để giữ gìn nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng của đồng bào DTTS Tày, Nùng trong đời sống xã hội hiện đại.
Lày cò – trò chơi dân gian đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Khi cộng đồng hay gia đình có những cuộc vui thì không thể thiếu "lày cỏ" nhằm tạo không khí sôi động, thu hút người xem và hưởng ứng, tạo nên cái “chất” của lễ và hội. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, dù có nhiều trò chơi cũng như dịch vụ giải trí hiện đại phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhưng nét văn hóa dân gian "lày cỏ" vẫn được duy trì. Một số địa phương đã đưa lày cỏ vào giao lưu văn hóa và thi tài trong lễ hội. Đó chính là nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng không thể mất đi của người Tày, Nùng.
Print
0 Bình luận
Rate this article:
No rating

Categories: Kiến thức thể thao, Thể thao văn hóa và dân tộcSố lượt xem: 1690

Tags:

Ngô Thịnh HườngNgô Thịnh Hường

Other posts by Ngô Thịnh Hường

Comments are only visible to subscribers.